Dịch giả Nguyễn Chí Thuật – Người mắc nợ với tiếng Việt và tiếng Ba Lan

Khi hỏi dịch giả Nguyễn Chí Thuật về những đề xuất để thúc đẩy giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, anh nêu hai việc.

Thứ nhất là đầu tư kinh phí. Có lẽ khó có người Việt Nam nào đủ khả năng độc lập dịch những tác phẩm văn thơ từ tiếng Việt sang ngôn ngữ thứ hai mà không cần đến sự cộng tác của một nhà văn/nhà thơ bản xứ. Vì vậy, việc cấp kinh phí cho hai dịch giả để họ tập trung công sức và trí tuệ cho việc chuyển ngữ một tác phẩm tinh hoa văn học Việt Nam là cần thiết. Thứ hai, các dịch giả cần được trợ giúp trong vấn đề bản quyền. Trong trường hợp dịch tuyển thơ của khoảng 100 tác giả chẳng hạn, để kết nối, liên lạc và có sự nhất trí của những tác giả đó là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức…

Dịch giả Nguyễn Chí Thuật – Ủy viên Hội đồng Dịch Hội Nhà văn VN khóa X

2017 có lẽ là năm có nhiều dấu mốc đáng nhớ với nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật. Tháng 7.2017, anh đón nhận Huy chương vì sự nghiệp giáo dục Ba Lan do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đào tạo đại học Ba Lan trao tặng. Tháng 12.2017, Hội Nhà văn Hà Nội trao tặng anh giải thưởng Văn học dịch năm 2017 cho bản dịch đồ sộ cuốn tiểu thuyết Búp bê nổi tiếng của văn học Ba Lan…

Người vui tính nghiêm túc

Trong số những nhà văn sống và làm việc ở nước ngoài về tham dự hội nghị “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội tháng 10.2017, có lẽ nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật là người vui tính nhất. Anh thuộc rất nhiều chuyện tiếu lâm, và giọng kể tỉnh bơ của anh luôn khiến những giờ nghỉ giải lao hoặc các bữa ăn của chúng tôi bừng sáng tiếng cười.

Vui tính là thế, nhưng nhà thơ Nguyễn Chí Thuật là một người nghiêm cẩn trong công việc. Anh vừa là giáo sư, tiến sĩ, vừa là nhà thơ, dịch giả. Trong vai trò nào, anh cũng nỗ lực hết mình.

Nhận xét về bản dịch vừa được Hội Nhà văn Hà Nội chọn trao giải, nhà thơ Hữu Việt, Chủ tịch Hội đồng Dịch của Hội cho biết: “Búp bê là cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Boleslaw Prus, người Ba Lan. Ông được đánh giá là một trong những tác giả tầm cỡ nhất của văn học Ba Lan và châu Âu. Đây là tác phẩm có dung lượng lớn (2 tập, mỗi tập trên 600 trang khổ lớn), đã được dịch giả Nguyễn Chí Thuật dịch công phu trong một thời gian dài, chất lượng bản dịch bảo đảm tính chính xác và tinh thần của nguyên tác. Trao giải thưởng cho dịch giả là sự ghi nhận công sức của một người làm dịch thuật lâu năm, bền bỉ; có nhiều đóng góp cho việc lưu giữ và chuyển tải một kiệt tác văn học thế giới đến độc giả Việt Nam”.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thuật là một người có nhiều sự dịch chuyển. Rời Việt Nam năm 1970 sang Ba Lan học đại học, năm 1977, anh tốt nghiệp, trở về quê hương, công tác tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1986, anh được cử sang Phnom Penh dạy tiếng Việt cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế Campuchia. Cuối năm 1987, anh sang lại Ba Lan thực tập tiếng và làm nghiên cứu sinh rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn học. Từ năm 2005, anh trở thành giáo sư thỉnh giảng tiếng Việt và Văn học Việt Nam cho sinh viên ngành Ngữ văn Việt, trường ĐH Tổng hợp mang tên Adam Mickiewcz ở Poznan. Từ năm 2007 đến nay, anh là giáo sư của trường đại học này. Tháng 1.2017, Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Adam Mickiewicz đã ký quyết định thành lập Bộ môn Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Việt đặt tại Viện Ngôn ngữ học. Cùng với GS.TS. Lê Đình Tư, TS. Hoàng Thu Oanh và một số người khác, GS.TS. Nguyễn Chí Thuật đã đóng góp trí tuệ và công sức xây dựng nền móng cho bộ môn nghiên cứu này.

Nhà thơ Nguyễn Chí Thuật đã dấn thân vào công việc sáng tác thơ không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Ba Lan. Cho đến nay, anh đã có hai tập thơ viết bằng tiếng Ba Lan được xuất bản: Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta (2011) và Xuôi dòng Warta (2016). Viết  bằng tiếng Ba Lan nhằm thử sức, rèn luyện và nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhưng thơ Nguyễn Chí Thuật phần nào được công chúng và giới chuyên môn Ba Lan đón nhận. Tập thơ Từ sông Hồng đến sông Wisla và sông Warta được trao giải khuyến khích trong cuộc thi Tập thơ hay nhất trong năm, tổ chức trong khuôn khổ liên hoan “Tháng 11 Thơ quốc tế Poznan” diễn ra hàng năm ở thành phố Poznan, tỉnh Wielkopolska. Chùm thơ 5 bài trong tập Xuôi dòng Warta được trao giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thơ toàn quốc Ba Lan mang tên Jan Krzewniak năm 2016.

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Chí Thuật, làm thơ bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ là công việc vô cùng khó khăn. Những đòi hỏi về ngôn ngữ thơ và quy tắc thơ ca khiến công việc đó tưởng chừng không thể nào thực hiện được. Nhưng anh cứ tung tẩy viết. Viết vì tình yêu với cuộc sống, với thơ ca và với ngôn từ.

Cũng vì tình yêu dành cho ngôn từ nên Nguyễn Chí Thuật đã bắt đầu dịch văn học Ba Lan từ những năm còn ngồi trên giảng đường đại học. Sau khi một số truyện ngắn và bài thơ dịch được in trong các tuyển tập và tạp chí văn học, anh đã cho ra đời cuốn sách văn học dịch đầu tiên. Đó là tiểu thuyết Chết giữa tam giác những sai lầm của Kazimierz Kozniewski (1988).

Càng dịch, Nguyễn Chí Thuật càng hiểu ra một điều: Văn học Ba Lan là nền văn học rực rỡ, Ba Lan là mảnh đất sản sinh ra nhiều cây bút tầm cỡ thế giới. Trong các quyển sách đã dịch, có ba cuốn anh tâm đắc: Nghệ sĩ dương cầm, hồi ức của Wladyslaw Szpilman, đã được dựng thành phim và được trao giải Oscar; tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus, kiệt tác văn học Ba Lan thế kỷ XIX và bộ tranh truyện Những cuộc phiêu lưu của dê con Ma-tô của Kornel Makuszynski và Marian Walentynowicz…

Miệt mài “phu chữ”

Với sức làm việc không mệt mỏi của mình, nhà thơ Nguyễn Chí Thuật đang chuẩn bị cho sự ra đời một số tác phẩm khác: Cuốn sách thuộc thể loại phóng sự văn học nhan đề Hoàng đế của nhà văn Ryszard Kapuscinski, tập truyện ngắn Rừng bạch dương của Jaroslaw Iwaszkiewicz.

Phần thưởng có ý nghĩa dành cho những đóng góp của anh cho văn học Ba Lan có lẽ là việc được Viện Sách Ba Lan mời dự “Đại hội Những người dịch Văn học Ba Lan trên thế giới” liên tiếp trong ba kỳ đại hội gần đây. Tháng 7.2017, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Đào tạo đại học Ba Lan đã ký quyết định tặng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục Ba Lan cho Nguyễn Chí Thuật để ghi nhận những việc anh đã làm với tư cách người có công đào tạo các nhà Việt Nam học tương lai của Ba Lan.

Nguyễn Chí Thuật cho biết thời gian tới anh có ý định ưu tiên dịch các tác phẩm văn học tiếng Việt sang tiếng Ba Lan. Trước đây, anh đã dịch văn học Việt Nam như một nhu cầu tự thân. Vào năm cuối đại học, khi viết luận văn tốt nghiệp, anh đã chọn đề tài so sánh thơ Tố Hữu với nhà thơ Ba Lan Wladyslaw Broniewski. Đề tài luận án tiến sĩ của anh liên quan đến chủ đề yêu nước trong văn học Việt Nam và Ba Lan. Vì thế anh đã dịch sang tiếng Ba Lan và trích dẫn một số tác phẩm văn học Việt Nam các thời kỳ. Sau này, khi giảng dạy văn học Việt Nam cho sinh viên Ba Lan, anh cũng đã dịch và giới thiệu rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam qua các bài giảng.

Gần đây, với sự nỗ lực của anh và một số sinh viên ngành Ngữ văn Việt tại Đại học Adam Mickiewicz, Poznan, tập I bộ sách Truyện cổ Việt Nam đã ra đời. Hai tập tiếp theo đang được tổ chức dịch. Anh cũng đã thực hiện được phần lớn công việc trong kế hoạch dịch và xuất bản tại Ba Lan một tuyển tập thơ của các tác giả Việt Nam. Trong khuôn khổ công việc chuyên môn của mình, anh dự định viết một cuốn sách về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Ba Lan và dịch thơ của một tác giả Việt Nam sang tiếng Ba Lan.

Làm việc không ngừng nghỉ, nhà thơ Nguyễn Chí Thuật như là người mắc nợ với tiếng Việt và tiếng Ba Lan. Nhưng cũng vì “món nợ” đó mà nhiều thế hệ độc giả Việt Nam đã đến được với Ba Lan qua các tác phẩm dịch của anh; và công chúng Ba Lan, đặc biệt là các bạn trẻ, đang dần hiểu được sự giàu có của văn học và văn hóa Việt Nam.

Khi hỏi dịch giả Nguyễn Chí Thuật về những đề xuất để thúc đẩy giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, anh nêu hai việc. Thứ nhất là đầu tư kinh phí. Có lẽ khó có người Việt Nam nào đủ khả năng độc lập dịch những tác phẩm văn thơ từ tiếng Việt sang ngôn ngữ thứ hai mà không cần đến sự cộng tác của một nhà văn/nhà thơ bản xứ. Vì vậy, việc cấp kinh phí cho hai dịch giả để họ tập trung công sức và trí tuệ cho việc chuyển ngữ một tác phẩm tinh hoa văn học Việt Nam là cần thiết. Thứ hai, các dịch giả cần được trợ giúp trong vấn đề bản quyền. Trong trường hợp dịch tuyển thơ của khoảng 100 tác giả chẳng hạn, để kết nối, liên lạc và có sự nhất trí của những tác giả đó là công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức…

Thế giới càng phát triển, con người cần phải nỗ lực giao lưu văn học và văn hóa nhiều hơn. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Chí Thuật đang có những đóng góp đáng ghi nhận cho sứ mệnh quan trọng đó.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

Theo Đại Biểu Nhân Dân 2017

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận